CÔNG TÁC DUY TRÌ SỐ LƯỢNG HỌC SINH, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC TOÀN DIỆN
Trường tiểu học Tà Cáng xã Nà Tấu là một đơn vị trường thuộc xã khó khăn của thành phố Điện Biên Phủ, với 98,6% là học sinh dân tộc thiểu số, địa bàn rộng, khoảng cách từ các thôn bản đến trung tâm trường khá xa, hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhận thức của một số phụ huynh học sinh chưa cao. Vì thế việc cho con em đến trường cũng chưa được nhận thức đầy đủ, thời gian đầu tư cho việc học của các em chưa nhiều dẫn đến kết quả học tập chưa cao.
Nhận thức rõ được điều này Trường tiểu học Tà Cáng xã Nà Tấu trong những năm qua đã luôn quan tâm chú trọng tới việc huy động và duy trì sĩ số thường xuyên nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Qua tìm hiểu và nắm bắt nhà trường nhận thấy có một số nguyên nhân tại địa phương dẫn đến việc đi học không chuyên cần của học sinh: Do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, thiếu sự quan tâm của cha mẹ, học sinh bỏ học để phụ giúp gia đình; sự phối hợp giữa nhà trường, phụ huynh học sinh chưa cao, phụ huynh còn tư tưởng phó mặc việc giáo dục con em cho nhà trường, thầy cô; một số học sinh mặc cảm, tự ti với bản thân, thiếu niềm tin vào khả năng học tập; học sinh xa nhà phải về ở nội trú không muốn xa bố mẹ,
Từ một số nguyên nhân chính trên Trường tiểu học Tà Cáng xã Nà Tấu đã đề ra một số giải pháp huy động và duy trì sĩ số thường xuyên để nâng cao chất lượng giáo dục, cụ thể:
Ngay từ đầu năm tổ chức điều tra thống kê số liệu học sinh toàn xã, từng bản, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể cùng phối hợp trong công tác vận động tuyên truyền học sinh trong độ tuổi đến trường.
Thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục để nâng cao nhận thức về quan điểm đường lối giáo dục của Đảng và Nhà nước thông qua các cuộc họp của chính quyền địa phương, thôn bản và họp phụ huynh học sinh. Tuyên truyền tới các bậc phụ huynh, nhân dân nhận thức rõ được tầm quan trọng của việc học tập của các em, từ đó phối hợp tích cực với nhà trường trong công tác duy trì sĩ số. Kiểm tra sát sao sĩ số đi học hàng ngày của học sinh, kịp thời nắm bắt những học sinh nghỉ học, để có các biện pháp như: Gọi điện trực tiếp cho gia đình trao đổi tìm hiểu nguyên nhân, giáo viên chủ nhiệm trực tiếp tới nhà học sinh tìm hiểu nguyên nhân và vận động phụ huynh đưa con em trở lại lớp. Đồng thời báo cáo nhà trường hàng ngày từ đó kết hợp tham mưu cấp ủy chính quyền có biện pháp vận động các em đi học chuyên cần.
Tham gia thường xuyên các buổi giao ban, họp dân từ đó có sự tham mưu, phối hợp trong việc duy trì số lượng. Sát sao đối với học sinh đặc biệt là đối tượng học sinh cá biệt, học sinh yếu để có các biện pháp phối hợp giáo dục.
Quan tâm động viên khen thưởng kịp thời những học sinh có thành tích tốt trong học tập, nhắc nhở những học sinh chưa có ý thức trong học tập hay nghỉ học tự do.
|
|
Tâm lý của học sinh tiểu học là vừa học vừa chơi, đặc biệt là học sinh dân tộc thiểu số đại đa các em thích tham gia các hoạt động ngoại khoá. Nắm bắt được điều này nhà trường chỉ đạo Liên đội xây dựng kế hoạch hoạt động phong phú, đa dạng phù hợp với tâm lý lứa tuổi học sinh:
Tổ chức cho học sinh chơi các trò chơi dân gian của địa phương, đọc sách truyện tranh, xem phim thiếu nhi, kết hợp giáo dục kĩ năng sống, vệ sinh cá nhân, phòng chống tai nạn thương tích; kĩ năng bảo vệ bản thân,.. tổ chức các trò chơi, múa hát tập thể, câu lạc bộ thể thao hoạt động vào các buổi chiều hàng tuần; tổ chức múa hát văn nghệ….
Một số hoạt động ngoại khóa của học sinh tại trường
Để nâng cao được chất lượng giáo dục cho học sinh trước hết đội ngũ giáo viên phải tâm huyết với nghề, yêu quý học sinh và có các phương pháp giảng dạy linh hoạt.
Tiến hành khảo sát chất lượng đầu năm để phân loại học sinh. Giao khoán, kí cam kết số lượng và chất lượng cho giáo viên ở từng khối, lớp.
Xây dựng kế hoạch bồi dưỡng phụ đạo học sinh hàng tháng, tuần và xác định học sinh hổng kiến thức ở lĩnh vực nào thì bổ sung kiến thức cho học sinh ở lĩnh vực đó. Giáo viên phải gần gũi, quan tâm tới những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, học sinh yếu, không phân biệt đối xử giữa các học sinh trong lớp, tạo niềm tin cho các em, để cho các em cảm thấy thích đến trường hơn.
Tạo cho học sinh hứng thú trong suốt quá trình học tập, quan tâm, tìm hiểu hoàn cảnh, tâm lý từng học sinh, không gây áp lực cho học sinh. Thường xuyên theo dõi sự tiến bộ trong học tập của học sinh. Quan tâm giúp đỡ học sinh nghèo về vật chất, thiếu thốn về tinh thần.
Nguồn tin: Trường Tiểu học Tà Cáng xã Nà Tấu.